TRAN XUAN AN - LANG LE O PHO

24.11.05

LẶNG LẼ Ở PHỐ

TRẦN XUÂN AN


LẶNG LẼ Ở PHỐ

thơ



NHÀ XUẤT BẢN TRẺ TP. HCM.

1995




MƯA TRONG KHUYA MÙA NẮNG

“chàng về, thiếp một theo mây
con thơ để lại đất này ai nuôi!”
(ca dao: lời Mẹ Âu Cơ)


em xa thẳm phía miền mưa
hai hôm xứ nắng vẫn trưa trọn ngày
khuya nay trở gió heo may
cho phùn bấc tạt lạnh đầy giấc anh

mỏng manh dáng cũ hiền lành
ngát mười năm thoảng nét tranh lặng thầm
thơ anh ngã nước tìm trầm
lạc rừng hoài niệm xa xăm, em buồn

bơ vơ hạt mặn nhớ nguồn
chắt chiu đãi cát yêu thương tuổi nào
vàng bay tay héo xanh xao
anh đau ốm lại rụng vào lòng em

sốt run đánh lửa mòn đêm
người tình ngậm ngãi đã mềm gót chân
ru con chuyện cổ ngại ngần
mưa em mưa Huế mưa ngàn xưa rơi

trong mưa nên bỗng nắng ngời
mưa thơm nắng mật biển đồi bên nhau…
em xa khuya lắng chìm sâu
vọng muôn tiếng sóng bạc đầu gọi em.

1994



Cước chú của bài “Mưa trong khuya mùa nắng”:
(*) Những bài thơ trong tập này, khi xuất bản, tôi không ghi năm sáng tác ở cuối bài. Có lẽ, cần ghi rõ ở bản chép lại trên máy vi tính này. Trừ một ít bài được sáng tác ở các năm 1975 – 1982, hầu hết số còn lại trong tập đều được sáng tác vào ba năm 1993 – 1994.
(Chú thích ngày 12. 03. 2005)




VỚI BIỂN

gió thổi lạnh bờ đời
sóng khuya mặn tình tôi

một hừng đông đến đắng
trong trái tim rưng nắng

hồn nhoà theo trưa sương
thuyền mờ trôi không phương

ngâm hoài trên bãi trắng
muống tím chiều hoang vắng

đêm xoá lấp hết rồi
sao rơi biển ru hời…



NHỮNG MÙA TRĂNG THU HUẾ CỔ

tặng Nguyễn Thị Th. Ng.

nhà rêu cửa vỡ gió hoang
gỗ oằn trĩu mái ngập vàng lá bay
màu xanh trăng,
trăng thu gầy
mọc từ lớp học sáng đầy phòng tôi

bạn bè một thuở khơi vơi
tiếng cười cơ khổ tiếng đời ngẩn ngơ
nỗi đau ghìm lại trong thơ
trời bát ngát núi rừng mơ ngợp hồn

hoa trên vết đạn, nắng non
gạch vôi mủn mục, biếc, ơn nụ mầm
lòng ngây ríu rít thì thầm
trước môi chờ, ướt trăng rằm trên cao

biết suốt đời sẽ nao nao
trán tinh khiết quá, nỡ nào, thưa em
rưng rưng cùng hát từng đêm
giữ nguyên sơ giữa êm đềm hoang vu

tháng ngày xa rất mộng du
ngun ngút xanh, mảnh trăng thu mãi về
rồi bao năm lạnh điên mê
buốt cơn hoang phế thèm nghe dỗi hờn.



BẤT GIÁC Ở SÀI GÒN

anh tìm một nơi lặng yên
chìm vào màu xanh cây cỏ
tan theo dòng sông tiếng hát ngoan hiền
cụm mây bóng ngã ao tù im vắng gió

có con ngựa buồn thôi khua móng vỡ
dây buộc vào thơ anh?
có độc mộc úp trầm không bến đỗ
vượt thác tuổi biết yêu
rồi cứ mãi tròng trành

chất giọng lắng hết phiền lo
thanh thoát trong lành
chẳng hiểu lời Di-gan
nhưng hồn anh du mục
thơ anh hát cùng em
trôi niềm mê vừa đánh thức
nhớ bụi đường xa, mơ tình yêu
như một mái nhà

cô gái nào là Tổ Quốc
trong tim ngựa chiều tà
và nguồn cội, bền lòng
phận lênh đênh rong phủ
nàng chỉ ở trong tim
nhưng chẳng thể tìm ra
cụm mây trắng ngủ theo tiếng em ru
bất ngờ là nỗi muộn màng gió hú

xanh cây cỏ dịu dàng
giọng em xanh tính nữ
như đưa thơ anh cùng ai
qua hoang mạc phố làng…
để thành biển đời xanh,
tóc em chảy từ tín ngưỡng thi ca
rất con người
khát vọng thật người
và chỉ yêu dấu cõi đời
dẫu đời dựng thác ghềnh hiểm dữ…
ngựa lại xoải dặm hồng,
thuyền chở mây lướt sóng
giữa mênh mang…



NHỮNG NÀNG TIÊN CỔ TÍCH

các em thoảng qua ta. Như nắng
sáng loà đêm. Như mưa,
rêu phủ cả hừng đông
em lửa cháy trái tim này tro bụi
em giá băng nghẹn tím mực máu hồng

tình yêu xua hư không và nỗi chết
(rợn ngợp hư không nỗi chết khoả tràn)
các em thoảng dịu dàng hương, mất hút
và mất hút dù lạnh buốt, chang chang

ta hát tủi buồn. Và ngất mê. Và say đắm
yêu các em rục nẫu xác hồn mình
ta ăm ắp. Ta nguệch ngoạc phơi trần trên giấy
ta đổ vỡ chảy đầm bầm tối lũ thần kinh

mười bảy thắp. Tắt điếc câm hai tám
các em thoảng,
nhưng diêm nhưng bão. Nến tàn
em trắng em hồng em vàng em biếc
ta bay bổng mây trời thõng rụng khăn tang

nửa đời xế. Chiều hoang Từ Thức
ta nhớ ta và mộng mị. Khật khờ
lững thững bước. Thiên thai đồi và biển
bao nàng thơ còn nhớ gã sầu thơ?



GIẤC RƯỢU ĐÙA GIÁNG KIỀU
TRONG XÓ NHÀ

anh lao vào vệ cỏ xanh
bấu ghìm quả đất xoay quanh mặt trời

cho đôi chân tựa mây ơi
hai tay xô xuống: khoan trôi sáng này

và anh lăn ngược đà quay
cản chiều quỹ đạo: đừng bay vội vàng

bên em bỗng sợ thời gian
đâm lo cõi lụy nổ tan với tình!

cụng li rót ngọt chúng mình
chợt bùng gió, lịch bung đinh, gió lùa…

đôi khi huyễn mộng rất đùa
môi cằn nhạt thếch chưa chừa rượu điên

chào công nguyên cũ buồn phiền
số không lăn bánh qua triền tương lai?

chất truyền kì lút hai vai
lái xe viễn tưởng tìm hoài Bích Câu.



VỀ QUÊ

được phong phanh thuở nọ
quần màu đất nón cời
cùng trâu soi bùn nước
đều là ruộng: mỉm cười

bao năm lạc vào phố
mùi hôi trâu nhớ sao!
ta nặng qua sông rộng
trâu nhẹ thênh làm phao

bước mỏi trên đê cỏ
trâu cõng về xóm nghèo
nửa khuya thành sương biếc
bỏ chuồng, mây bay theo

ta thương ngàn năm cổ
trâu muôn xưa mệt rồi
chào máy cày gặt đập
hai đứa tìm xanh ngơi.



HÀNH LANG GIẢNG ĐƯỜNG
TRƯA VẮNG

xin nâng niu bàn tay em
soi vào vạt nắng ngã mềm bên anh
ngón hồng phơn phớt mờ xanh
trôi trên lụa ngát mát nhành thiên nhiên

lướt lên mạch đập lo phiền
phả hơi thở rối xuống triền tóc tơ
nhẹ rồi ngày tháng nghi ngờ
khi em trao trọn đôi bờ môi trinh

tan rồi bóng tối khổ hình
đọng thâm quầng mắt bởi tình hồ như
(anh ngu đần thuở tương tư
tin nụ hôn hơn ngàn thư mặn nồng!)

bâng lâng nắng trắng và trong
nét xinh cổ điển nao lòng ngẩn ngơ
“em-tôi” mắt ướt bao giờ
thấm loang ngực lụa học trò, ngoảnh xa

anh thèm siết khẽ tay ngà
cho em vỡ tiếng khóc oà nhìn anh
rất con trai anh dỗ dành
rất em, con gái ngoan lành, “à ơi”…

kiếp ve cát bụi lâu rồi
bay lên, xin mãi giấc đời long lanh
đất trời nghiêng rộng vai anh
đã ra người khi được thành Người Yêu.



LÊ THỊ HƯƠNG SEN THÀNH CỔ

tặng LTLH.

mười lăm năm đắng tình xa
hương sen thành cũ thoảng nhoà tóc cay
tiếng ve nhạt nắng thanh gầy
áo xưa bảng lảng trong mây trắng chiều

quán vườn gác vắng bóng xiêu
mắt trân trối ngó tường rêu, ướt mờ
cho tôi bật khóc không ngờ
xé lòng lang bạt cuồng mơ, thuở nào

môi khô đã mặn ngọt ngào
em còn trao lụa trắng vào đời đau
gác trưa suýt lỡ hoen nhàu
em thương tôi đến vùi màu mây bay

tôi điên? như một kiếp say
trước niềm phụng hiến chắp tay tôi quỳ
gã trầm tưởng có ra gì
thân lãng đãng với lối đi thác ghềnh

thơ tôi rồi mãi lênh đênh
vọng làn lụa trắng buồn tênh sen chiều
ủ hương ngơ ngẫn tiêu điều…
hoa râm mây trắng cười kiêu, ngạo mình.



QUÊ QUÁN

“khước vọng Tinh Châu thị cố hương”
(Giả Đảo: Độ Tang Càn)


một đời cơ hồ lạc xứ
ở sông này nhớ núi kia
lòng vọng về bao phố cũ
ngỡ từng làng xưa chưa lìa

hồn quê vời vợi giấc khuya
lầu năm nghe xoan tím ngát
xanh dương rì rào trắng cát
sóng biển rừng sâu nao nao

ngựa xe hàng hiệu lao xao
đồng vắng văng vẳng như nhạc
mắt ghi kẻ chợ phút nào
đảo hoang, tưởng thầm se sắt

lắng trĩu và xao xuyến hát
ví dặm ấm mấy miền thương
bay bay theo chim thần thoại
dã sử bâng khuâng trầm hương

chon von lí bắc kênh mương
cải lương xề xang xa thẳm
tình sững tương tư Mỵ Nương
cầm tay đào tuồng yếm thắm

giạt tận nghìn sau nồng đậm
ngoảnh nhìn nghìn xưa rộng dài
trái tim lăn tới tương lai
dấu vết trập trùng lặng ngắm

quê quán thơ ta nhiều lắm
ngày đêm mê mãi u hoài
yêu quá dáng người nết đất
nơi nơi xa thành thiên thai.



LỤC BÁT Ả ĐÀO TRONG BÓNG MỜ

liêu trai đưa lối dẫn đường
chốn đoạn trường vẫn đầm hương đàn bà
đạm tiên nhang khói la đà
hồn trà hoa nữ sương pha thuý kiều

đời mưa gió giạt tình phiêu
chớp nhoè dáng tuyết trong chiều mắt em
loã lồ khoác lụa sóng mềm
thuyền nan Huế nát lạnh đêm Sài Gòn

lời kĩ nữ Hà Nội hơn
ánh đèn màu lịm môi son Hải Phòng
giọng ca ma tuý máu ròng
thần thiêng nhà thổ lên đồng lả lơi

cô Cầm mộng mị chuốc mời
Nguyễn Du ngó sững nỗi đời động kinh
Tú Xương sặc sụa rủa mình
hát thề, nhớ mẹ, rượu ninh Tản Đà

rơi trôi về cõi xưa xa
tay em níu lại thêm ngà men say
chập chờn huyền hoặc vơi đầy
tiếng đàn tắc nghẹn, kèn cay đắng gào.



MƯA MIỀN CAO

nghe bay bay từng ngày mưa
lạnh tê hạt biếc gió lùa ngoài sân

bâng quơ thoảng nắng phân vân
hồng mơ, vàng, thoắt trắng ngần, thoảng qua

đất trời xoay kính vạn hoa
lũng đồi hoa và hoa và khói sương

ngập ngừng khách lạ ven đường:
tôi tìm tôi giữa vô thường, bơ vơ…



MÃI TÌM MỘT NỬA TRÁI TIM

một phiến ban mai biếc
rơi khẽ vào lòng anh
đã phế tàn củi mục
bất ngờ rưng rưng xanh

lại chồi non hoa ngát
may đời chưa tro than
chút tình bên cửa sổ
bướm bay hay nhành lan?

cánh tím lay niềm nhớ
bay hoài không tới nơi
chỉ cách tầm tay với?
sao đậu trên tóc người?

em – búp bê tuổi nhỏ?
thương tự thuở nằm nôi
ba mươi bảy năm đắng
cục đường xưa đâu rồi?

ca dao hoài ngọt lịm
em mãi hoài thơm môi
đau thân anh tiếng mọt
ngỡ nát bụi khắp trời

em – đoá hồng tấm bé?
anh – thỏ nâu ngây ngô?
sững nhìn bao dáng nét
ngỡ quen từ nguyên sơ


đến khi em trắng tóc
và anh cũng bạc phơ
gặp nhau còn ngơ ngẩn?
ngỡ quen muôn kiếp xưa

anh – thằng khờ mất bóng
tìm gương mặt tình yêu
tận hồng hoang kí ức
trên câu kinh trang Kiều?

anh tìm em biển bắc
anh tìm em rừng tây
gã đa đoan tuyệt vọng
hết nửa đời trắng tay?

anh – kẻ đùa thượng đế
bão xé ngàn ngàn năm
tìm nửa kia thất lạc
ôm nhau để hoá trầm

anh về khung nắng cũ
em học bài, hương mơ
thoảng lên trang vở trắng
mực tím hoài chuỗi thơ?

lan dáng rồng ẩn hiện
trong vô thức bồng bềnh
bướm tiên ngời gỗ mục…
em – hồn anh thênh thênh.



ĐIỆU MÚA XANH
DÁNG HÌNH SÔNG NÚI

tuổi tôi xanh biếc tình cờ
khi về ngồi lại bên bờ dòng xanh
bất ngờ sương sớm ngoan lành
nhuộm vào sông nước
thoảng thành lụa xưa

bỗng dưng trời đất xoay mùa
tôi đang mười bảy em vừa rằm giêng
say đêm múa khúc ba miền
áo tứ thân nón che duyên ba tầm
mái nhì bát ngát xa xăm
phù sa vọng cổ phương nam ngọt tình

lạ gì cô bé xinh xinh
chợt như Đất Mẹ dáng hình như bay!

mơ mơ sông biếc lòng mây
tôi xanh mộng tưởng hồn đầy sao xanh
bờ xanh ghế đá chẳng đành
cùng dòng nước chảy nhanh nhanh tháng ngày
bao giờ cầm được bàn tay
đưa em đi khắp sâu dày dân ca?

bây giờ râu tóc phai nhoà
long lanh lụa biếc quê nhà, nghe xanh
hương trăng bồ kết lá chanh
tà xanh rất thật quấn quanh chân mình?



TRƯA TẾT THĂM BẠN CŨ

tiếng gà gáy bất ngờ ngỡ quá xa xưa
giữa xóm lạ Sài Gòn, nguyên đán nắng
cơ chừng mênh mang với gió bao la
tre xao xác hương rơm nồng yên vắng

tiếng gà thăm thẳm giạt lòng xa mơ
anh muốn bay quên bồng bềnh quên hết
quên giòn giã pháo quên rực rỡ hoa
và phơi phới đường cong khắp phố phường hồng biếc

sao anh nhớ từng cơn mưa phùn
ấm ngọt gừng cay chén trà khói ngát
bâng khuâng sầu đông trải tím cội mai vàng
xoa dịu bàn tay gót chân nứt khô dầm bùn tháng chạp

tiếng gà Sài Gòn đánh thức trong anh
nỗi mơ mộng học trò làng đã ngủ
lạc loài tiếng gà đầu anh cúi rũ
nhớ thơ ai khắc dáng ngồi anh năm nao
như dấu hỏi im lìm.



ĐẠI NGÃ ƠI,
ANH CHỈ LÀ THÀNH TỐ CỦA EM

I
… bè lóng lánh giữa nghiêng chao
là trăng trắng ngợp phương nào xanh dương
là mặt trời ướt mọng sương
em nung cháy chút bất thường trong anh…

II

… mịt mùng mây bụi sinh thành
tỉ năm thăm thẳm đã đành nguyên sơ
mang mang mông muội mù mờ
chạm nhau phát sáng tình cờ thấy nhau

nhờ em anh biếc một màu
lòng anh bát ngát đến đâu? bao giờ?
ôm em, anh cũng ngẩn ngơ:
trăng sao quả đất hồn thơ mặt trời…

tay anh, ngọn gió chơi vơi
cõi thơm vệ nữ xa vời cỏ non
nóng ran ơi nụ môi son
và còn vô tận anh còn mộng mơ

hư không, không bến không bờ
không không có có không ngờ có em
có khi bay lượn êm đềm
bùng bão tố vẫn dịu mềm khi không…



THÁNG GIÊNG CÙNG HOANG DÃ

I. GIẤC NGÀY

chim chuyền cành muộn bâng quơ
trái quên rụng vỡ giấc mơ thở dài
tím hồng ngái ngủ, trưa phai
giật mình, khép lá cho gai đau mình.

II. LỜI CỎ

ngất ngơ cỏ cú ngoài đồng
đời thừa mọc giữa phiêu bồng, gắng xanh
nỗi đau muôn thuở không lành
tìm ra đất sống nỡ đành “kiếp sau”!

III. HẠT

gió lùa với bụi tới đây
đành đâm rễ nõn thì bay lá vàng
xưa sau tầm gửi vô vàn
có chăng phận mọn giữa ngàn trùng xanh?

IV. VÀ RONG

luơ quơ lay lắt dập dềnh
nương thân vào nước bồng bênh bềnh bồng
thôi mơ đời cá bơi rong
sao ru con sóng lặng dòng giạt xô?



MÙA XUÂN
SÁNG HOA ĐỒNG TỬ TRONG ĐÔI MẮT

u uẩn không nguôi chút tình lãng quên
trang thư em mở ra khung trời chưa hề xưa cũ
tháng năm ngày đêm rơi dần vào giấc ngủ
cuối cơn mê dài hoài niệm sáng ra

người con gái thuộc tên nhiều loài hoa
không muốn gọi hoa không tên là hoang dại
xao động học trò phập phồng ngực trái
thơ mông lung sao chẳng nỡ vô đề

ai cũng có một cái tên để nghe
để đoán hiểu mình từ người khác gọi
tên anh, mẹ cha cho tự thuở nằm nôi
chỉ âm thanh dịu dàng mới thực anh
trên môi em dịu dàng giọng nói

không là hoa, chưa là thơ, nào hẳn là bóng tối
đâu được hừng đông như em đã biết rồi
thư em gọi nơi xa anh nghe niềm yên tĩnh
sau rất nhiều buồn khổ đãi bôi

và chừng như tất thảy đã muộn rồi
đắp trang thư lên mặt
cả vòm trời sụp xuống
nhắm mắt lại anh lặng lẽ nhìn anh
miền thanh tịnh – một vùng hoang tưởng?

dăm tập thơ, từng mùa gió chướng
thổi xạc xào qua mấy nẻo hoang mang
(anh thảng thốt nhặt gom từng hạt sữa
từng hạt đầy trong cuồng phóng miên man)

anh nhớ em, thương bông trắng ngụy vàng
tận vàng nhụy trắng bông xanh lá
trên nghiên mực đen tanh đầm hạ
dựng búp bút lông nở đoá phật bà

anh yêu em cùng yêu tất cả hoa
có hoa vô nghĩa bởi anh chưa hiểu nghĩa
anh đậm tình, đa mang đa lụy
yêu vô biên thành kẻ phải yêu mình!

bao đoá yêu không tên của anh bé bỏng xinh xinh
thoáng hiện giữa gai góc đời rồi mất hút
anh đành gọi tên anh
thầm vọng chút yên bình
dẫu quá cổ tích xa vời, sao anh vẫn thương
đứa trẻ bơ vơ cầu khẩn bụt

dịu dàng ơi, sao anh muốn khai sinh lại đời riêng
để tìm hạnh phúc
hai nụ cười vui bên triệu nụ cười
thư em gọi giùm tên anh trong cơn đau u uất
tịnh tâm mở sáng khung trời,
đôi đoá hoa trăm cánh sáng đôi ngươi.



CHỐN CŨ

bồng bềnh phố nhớ xưa xanh
lưng chừng trời ngỡ tròng trành cùng mây

tôi say dù ở đất này
nghe xa lăng lắc vẫn đầy lòng sương

như tan ra khắp ngõ đường
tìm quên khung cửa đèn suông lạnh hồng

tình trôi hút giữa mênh mông
miền vời vợi ấy còn không thoáng nào.



GỬI CHÀO LỘC BIẾC

I. NGOẠI Ô

sớm mai quán lạ nào đây
nâng trong tay chén trà đầy nắng thơm
bạn ngây hồn theo hương rơm
sắp xuân sao lúa vàng hươm lòng mình.

II. NHỚ MỘT NƠI NÀO

tình ai độ ấy giêng hai
mơ hồ gió núi bay hoài trong mưa
giờ đây nắng sớm đã trưa
suốt năm mù mịt giao thừa chưa tan.

III. TRƯỚC MẶT

nét xuân viết tặng hồn đời
cứ xa xăm mãi xa xôi xa vời
mang mang trang giấy tinh khôi
sao mai chữ biếc mọc rồi mờ xa!

IV. MỘT CHIỀU THANH ĐA

bềnh bồng lòng bỗng nơi nơi
hương men bến vắng góc ngồi đung đưa
lục bình tím ngát hơi mưa
tôi như neo lại như vừa trôi đi.



ĐƯỜNG MƯA KHUYA HỌC TRÒ
VÀ LỜI KINH TÌNH YÊU

hạt mưa trong veo và tím
vòm cây óng ả long lanh
sông ngát đen trôi nhoà ánh điện
lặn vào ngực tôi một vầng trăng xanh

tôi đói và rét mướt nhớ
mơ bàn tay ấm tay mình
tôi khát lời em yêu dấu
thơ tình học trò nồng nàn,
là tiếng kinh gõ nhịp trái tim

tuổi hai mươi sao không buồn áo rách
giày vẹt dép mòn khuya khoắt lang thang
lãng mạn quá hồng cái nhìn quá biếc
chấp nhận cuộc đua với khởi điểm phũ phàng

tôi chấp nhận thiệt thòi, mỉm cười trong mưa
và bước
làm sao có thể đứng yên như hàng cây trăm tuổi
vẫn trổ lá hồn nhiên
làm sao như sông cam lòng tan vào biển lớn
sao để tình ta yêu nhau
trong khắc khoải muộn phiền

mưa đẹp quá, cây và sông quá đẹp
nhưng tôi còn quá trẻ chớm thương thân
tôi chưa sống nỡ nào hoài cổ
hừng đông mọc cùng giọt lệ trong đôi mắt
thâm quầng

lang thang, mưa, mưa, và bổi hổi nhớ
yêu em tình yêu trời đất quê nhà
tôi trải lòng ra với ruộng rừng,
em chỉ dám ước mình là nụ hoa bé nhỏ
em mong mình là cánh bướm êm đềm,
tôi muốn ôm vào lòng cả cõi người ta

rất thủ phận sao nôn nao hăm hở
miên man đẫm mưa đói lạnh một mình
mưa, mưa, mưa, sợi mưa tím buốt
yêu cả mênh mang thành kẻ thất tình

nào ai muốn sống để gục đầu hối tiếc
tuổi già úp mặt vào hư vô!
tôi yêu em trong niềm chia biệt
em yêu tôi nhằm một gã điên rồ

đèn đường tím, khuya khoắt mưa, mưa, se sắt
tôi tự nguyền rủa là kẻ bi hài
ném thân phận vào đêm hun hút
đêm ném về tảng đá gù vai

tôi tập mỉm cười dưới mưa và bước
trăng lặn vào tôi thơm ngát trong ngần
da diết yêu em, và chỉ yêu nhau chừng như chưa đủ
dẫu đoá hôn rực ấm lời kinh từ tình ta
vỗ cánh vang ngân

sông óng ả đen, ơi vòm cây lộc nõn
quá yêu trần gian tôi thành kẻ thất tình
đào huyệt chôn mình khi hừng đông vừa mọc
tuổi hai mươi vào đời như một âm binh

một âm binh trong khuya khoắt rét
vất vưởng trần ai để trả nợ đời
làm gã sinh viên một thời đói rách
thất tình em bởi yêu quá Con Người

thất tình cuộc đời hỡi cuộc đời quá đẹp
tôi là đứa trẻ thơ ôm trăng biếc bồng bềnh
kẻ lãng mạn đã trăm lần thua thiệt
bay trong mưa lảo đảo lênh đênh.



VỀ NGHE MƯA TÍM

“bồi hồi áp má thật lâu
khoai thơm, ngon, ấm, nhớ lần đầu môi hôn”
(TXA.)


mai anh về Huế nghe mưa
ngồi trông sợi tím giăng thưa cuối chiều
tìm trong lớp lớp xanh rêu
nụ hôn ngày đó rất liều gửi em

như ca dao ngọt và mềm
vút từ sông nước hồn kềm được đâu
nâng hoa môi ghé thật lâu
phong thơ cuốn vội gai đau mực nhoà

tím nhưng nhức hạt mưa sa
bay thơm niềm nhớ thấm qua nỗi buồn
bao năm xa biệt phố vườn
có về cũng chỉ ngùi thương chúng mình

mưa ngan ngát man mác tình
mơ đoá hôn tuổi lung linh lại hồng
xin dầm mưa thuở long đong
sống phiêu bồng Huế, tím lòng yêu em

anh về ngồi sững bên thềm
trông mưa tím suốt ngày đêm vạn mùa
nghe thâm trầm Huế thầm mưa
gã học trò đã già nua mai về.



ĐÀ NẴNG
MỘT THUỞ TẢN ĐÀ

“trái sim trổ tự đất nâu
lỡ yêu trái khế biếc sau quầy hồng”
(TXA)


cô hàng sách tiền kiếp xa xưa
giáng xuống đời ta năm mười bảy tuổi
bình dị hiền lành (như trái khế chua!)
ta đành chết sững ngắm hư vô đắm đuối

ta, gã nhà quê lớ ngớ lơ ngơ
thơ viết tặng em học đòi kiêu bạc
giấu chút tủi thân giấu trời bão táp
Tản Đà nhìn ta say khướt tự đùa

giữa Đà Nẵng lênh đênh túi rỗng
rất yêu đời lại bất cần đời
thú đau thương, khốn cùng hạnh phúc
(cả nhà rèn chí ta,
ta thành “cuồng sĩ” nợ đòi!)

chất Tản Đà nhập vào ta có cổ lỗ già nua
em thích ô mai viễn mơ tuổi ngọc
tâm hồn ta đa tình và ngốc
sách triết đầm đìa bản mặt mốc meo

ta, gã man di suốt đời ruổi theo mộng tưởng
thất tình em, thất tình hoa tình đời
quằn quại liệt mê trong hầm tối
cái đau như chẻ đầu ta, một kẻ cọc còi

chỉ là tên say thơ mang trái tim ruộng đất
lỡ khát quả khế chua quý tộc, xé lòng
đến bao giờ, đến bao giờ khế ngọt?
Tản Đà cười ngông nước mắt chảy ròng

dẫu sao vẫn ơn em, tiểu thư hàng sách
em, một dáng dung đôi cánh trắng thiên đường
riêng lạy tạ xe bánh mì vỉa hè cứu khổ
thương “lão học trò” ốm đói văn chương.



THƯ TAY, KHUYA QUÊ BẠN

giêng hai lộc biếc nơi đâu
nghe thu se lá vàng màu tàn thu
bờ sông sóng vỡ trăng mù
bồ câu cũng rã rời gù đâu đây

xe khuya chìm hút, chưa ngày
thềm nhà rêu xứ hoa này chưa hoa
phong thư đất khách đường xa
chừng như bổi hổi run nhoà ngực tôi

thương niềm tối ruộng tím đồi
phút trao có thắp nụ chồi tình ai
khi không lòng bỗng nhân hai
miền trong chớp bể nguồn ngoài quê mưa…



THẢNG THỐT VÀ NHỚ

I. GIỌNG QUEN XƯA

thuở nào biếc với núi đồi
dòng sông cài cánh bèo trôi ngát tình
đã thành thác hát cho mình
tôi nghe bạc tóc lặng thinh cúi đầu.

II. THOÁNG NHI HOÁ BÂNG QUƠ

sợi tóc bạc rụng xuống hồn tôi
(cánh diều lao đao buốt giấc trưa chới với
như đứa trẻ xa nhà tủi buồn trân trối)
chả ra sao đã quá nửa đời rồi!

III. MỈM CƯỜI

khuất trong phố bụi lâu rồi
trái tim sao cứ rong chơi nơi nào
say biển biếc ngợp đồi cao
mở hai con mắt chiêm bao chính mình.



SỚM MAI QUÊN TUỔI

I. ĐÔI MẮT EM

với hai quả đất và hai vòm trời
tôi được nhân hai thuở em trìu mến
chấm sao tròn long lanh quyến luyến
hay bong bóng bay
tôi níu giữ giữa vô cùng?

đã vỡ tan, bao giọt xé cay, vụn vỡ
tôi nát tan, chia trăm mảnh thơ buồn
giạt ngoài chân không
hư huyền cùng tuyệt vọng
làm sao về trong lòng mắt người thương?

II. MƯA NGOÀI HIÊN

đẫm ướt gương mặt hai mươi
long lanh mưa
mướt đen tóc vai thơm hồng lụa trắng
ngời niềm hân hoan trong veo mưa
em, đoá thiên nhiên,
nhỏ vào tôi ngát hương từng giọt nắng.



NGỌN NẾN NGƯỜI XƯA

nén mình nghe tiếng non sông
đời bao bước ngoặt, tấc lòng sáng soi

gươm nhân nghĩa, giặc tan rồi
tự do, thông vút, máu rơi, đỏ cành!

vẫn lồng lộng ánh trăng thanh
nụ cười ưu ái, hồn xanh dáng tùng.



KHUYA KHOẮT Ở PHỐ

bỗng dưng rớt xuống phố phường
theo cơn gió cuốn, mười phương gió gào

may lòng chưa gợn lao xao
hỡi phù hoa rất chiêm bao ở đời

lắng chìm hẩm hút lâu rồi
tóc xanh, hồn đã trắng ngời bạc phơ?

lầu cao xe chói khật khờ
tay cầm lên mấy tập thơ khóc ròng.



CÂU HỎI NGHÌN XƯA CA DAO

quá yêu Hà Nội trong tôi
vọng bờ trả kiếm xa nơi chân trời

nghe giọng nói đã thương rồi
mãi ngần ngại sẽ quen người thầm mơ

kẻ sĩ chí sờn, sờn thơ…
hồn nghiên ngón bút bao giờ vẫn hương!

Sài Gòn quán nước lề đường
thoáng em cổ kính đời thường, ngấm say

giấc rồng bay ngập ngừng bay
thuở hai mươi vỡ, tôi lay tôi về?



LÀNG CŨ Ở SÀI GÒN

tóc bay sương trắng
đất trời
xa
may không mãi mãi
vời vợi xa
trót về nương bóng
chiều tà…
mẹ nay vào phố
– quê nhà bên con.



TRIẾT NHÂN ĐÁNH THỨC

“từ bi hỉ xả là sợi dây nối liền loài người
không có đẳng cấp trong nước mắt cùng mặn
không có đẳng cấp trong máu cùng đỏ”
(Phật Thích Ca)


… rách tuơ bước giữa ban ngày
ngọn đèn thắp sáng trên tay tìm người
con người đâu? con người ơi!
phố phường thú lạ nhe cười ngu ngơ.

… rời cung cấm buồn sững sờ
đời chia cao thấp bậc bờ, khổ đau
thương lệ mặn, máu một màu
ăn mày lòng thiện vá nhàu cà sa.

… sợ đau cỏ dại sương nhoà
con sâu cái kiến kiếp xa luân hồi
héo gầy thiền sáng đôi môi
mắt nhìn, tay khẽ quét rồi đặt chân!

… tự quất roi nát xác thân
quỳ trong hốc núi mục dần xương rêu
mót lúa đồng lạnh tiếng kêu
xin như chúa với mái lều trần ai?

… niềm đau Do Thái chưa phai
nước thiên đàng trong và ngoài mung lung
ngóng ngày phán xử cuối cùng
xê-da giết, giết rồi dùng, lệch sai.

… nghìn năm trái đất thở dài
biển tràn nước mắt vỗ hoài đông tây
nỗi vĩnh hằng quá đoạ đày
đạo vốn đời, đạo giờ đây rất đời. (*)



Cước chú của bài “Triết nhân đánh thức”:
(*) Tiêu đề của từng khổ thơ, theo thứ tự:
1. Diogène “Cynique”
2. Phật Thích Ca
3. Thiền sư
4. Nhà ẩn tu Thiên Chúa giáo
5. Chúa Jésus Christ
6. Đạo đời
(Chú thích ngày 17. 03. 2005)




HƯƠNG CỦA XA XƯA

I. TRĂNG

yêu đằm thắm vẫn vô bờ
em xanh gầy, có bao giờ thương em!
tôi lênh đênh dọc đường đêm
ngờ đâu về đứng trước thềm nhà xưa.

II. SƯƠNG

mưa, mưa, em và tôi, mưa
những mùa ríu rít gió lùa ta bay
cây vườn hạt rụng khuya nay
vẫn em trong vắt trên tay chai bầm.

III. RƯỢU

vẫn em giọt ấm lặng thầm
chắt từ be cũ bao năm chôn vùi
gác đen tối thẳm mù đui
tim say lửa biếc ngậm ngùi rưng rưng.

IV. SAO

hát câu thơ tím nghẹn ngừng
ngõ quen mãi cứ lạ lùng cùng tôi
cơn mê phiêu hốt qua rồi
ngước nhìn lóng lánh sông trời vẫn em.



NHỮNG MÙA HÈ QUÊ XA

tóc mây xoã mượt vai đầy
tôi từ rừng khổ về say láng giềng

chái lều thủng đạn tường nghiêng
nhìn qua đường đất nắng xiên rây vàng
và đem sao mọc truông làng
mái trời tia biếc chiếu tràn dáng trinh

gió hè tre hóp gầy mình
em tươi mát với nét xinh thon tròn
cát mềm sương khói bãi cồn
bạch đàn rủ lá lả hồn dịu hương

nghe ngai ngái ngợp yêu thương
thắt tim: tay trắng, rụng buông, bao lần…



THẤT LẠC

tìm em tôi biết tìm đâu
tôi mất tôi, suýt nhoà nhàu chính tôi

đàn môi trở lạnh miền xuôi
tôi tìm ai giữa chợ người xa xưa?

mảnh tình Kinh Bắc, hạt mưa
thành ngấn lệ hay giọt thừa rượu cay?

khô ngực phấn bán chân tay
một cuộn lá có đổi thay một đời? (*)

phương nam rục mỏi bước tôi
thủ đô, xiêu xế em trôi cửa nào?

thương nhau từ khúc đồng dao
khóc lời tiễn dặn chiêm bao đâu ngờ

sang quyền mua gặp nhà thơ
đừng vày xé tiếng đàn ngơ ngẩn buồn!

đánh rơi tên họ lạc nguồn
hồn ca dao giạt gió suông vật vờ…

em cam quờ quạng bơ thờ
em mất em, biết bao giờ gặp nhau!

trái tim nỡ ném vực sâu?
lẻ loi tôi hát đôi câu với đời

mặt dầu nếp lạ hằn rồi
tôi tìm em, tôi tìm tôi, một mình…



Cước chú của bài “Thất lạc”:
(*) Một chi tiết trong trường ca “Tiễn dặn người yêu” (Xóng chụ xon xao) của nhân tộc Thái (Việt Nam).
(Chú thích ngày 15. 03. 2005)




XUÝ VÂN BÊN SÔNG

nụ hôn cháy nồng thở gấp –
cồn cào quặn xé trầm sâu
tiếng cúc trong vầng ngực bật –
vết thương bỏng nhức xuyên thâu

vuốt lại nếp mặt nát nhầu
tủi nhục sao bồi cây trái?!
tóc xoà bóng nghiêng man dại
một mình tím sẫm cúi đầu

đỏ nhoà sương sớm hương ngâu
giọt lệ rưng rưng sám hối
tia nắng trái tim mù tối
vạn năm ánh sáng soi nhau

khát tình trót ngã tình đau
vữa tơi mảnh hồn tội lỗi
sóng dâng sóng cũng đục ngầu
phải sống, nhưng rụng về đâu?

đứt ruột thất thểu qua cầu
qụy xuống mùa xanh bầm dập
chẳng mất cả niềm mất mát!?
còn, như nỗi héo cọng rau?...



KẾT TINH

người con gái ấy nhức nhối nỗi đau trầm uất
mưa xối xả suốt tháng năm thầm lặng
trái tim từng héo úa nhũn mềm
đã bám đầy gỉ sắt
tê lịm thỏi nam châm tím bẫm

cắn chặt môi lầm lũi trong cõi đời
không khóc được nữa không khóc được nữa
sao con người chập chùng mục nát chất người
gỉ sắt lạnh và tanh tham vọng
mặc lương tâm ứa máu!
bong lở cả những nghị lực vượt thoát
nghẹn ngào trầm uất

ơi ước mơ như cánh chim nhỏ nhoi
buông rủ trong niềm thiệt phận đắng
nước mắt sóng ru gào thét xói mòn!

trái tim dị dạng nặng trĩu lồng ngực
không khóc được nữa không khóc được nữa
suối tóc óng ả rũ rượi
gập mình đau đớn
vô thức xoè diêm dù ướt sũng bóng tối
bất giác đánh lửa vào dĩ vãng biếc
một tia nắng thôi
dù ướt sũng bóng tối
thỏi năm châm xù xì đã cháy rực
long lanh khối ngọc hồng

người con gái ấy côi cút giữa rợn ngợp cõi đời
nhưng ngọn lửa không tắt
bấc nến thắp ngời trong khối ngọc
hồng thơm sáng tươi
và ấm nóng

đánh lửa vào dĩ vãng biếc
một tia nắng thôi
nhớ quá thuở nào đôi môi hay cười

một tia nắng thôi
tà lụa tím lại bay bay trong gió.



NGHĨA TRANG CHIỀU

“trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán
chết đuối người trên cạn mà chơi!”
(Nguyễn Gia Thiều : CONK. : 73 – 74)


mai kia về với đất đai
tóc xanh hay bạc nắng phai mưa đời?
sổ lòng khóc ngợp hương đời
rồi ra, cười? nuối? xác phơi uất hờn?

cơ chi có chút linh hồn
thiêng huyễn tượng đứa trẻ con cao vời
giá còn ảo vọng luân hồi
em mơ làm lại cuộc đời kiếp sau?

thôi em phơ phất cỏ lau…
hoài nguyên vẹn đoá hôn đầu triệu năm
hạt mưa soi bước ghé thăm
mãi thơm vô thức lặng thầm mang mang

thôi em đã cạn tuần nhang
chiều này khói ấy không tan bao giờ
chừng như chạm thấu hư vô
đang di truyền tự xa mờ trong tâm

nhìn em đôi mắt đăm đăm
anh day dứt những lạc lầm u mê
tuổi nào liệm giấc lê thê
xin còn luôn phút não nề ăn năn.



DÙ KHI CHỈ MỘT MÌNH,
EM YÊU DẤU!

bao lần ngây ngất hát
suối reo chồi nắng ngời
vắng im trưa bỗng khóc
vẳng đâu tiếng ru hời

hoảng hốt như vụt rơi
tóc em nồng hoa độc
thảng thốt trong cơn lốc
cái khát một làn môi

trắng Muối đen Đất ơi
tay nâng niu trang sách
thấy hồng giọt mồ hôi
xóm nghèo xám tiếng cười

hồn thơm xanh màu trời
cũng đau nhìn lụa biếc
ma thuật và trò xiếc
quả-cân-tim đầy vơi?

tanh bùn ngát sen ơi
rêu bụi lòng mưa nắng
trái nhân dục ngọt đắng
cành bồ đề khô phơi?

ConNgười, tôi ơi
giật mình ai khuỵu gục
đích cũ vượt qua rồi
mức mới chưa mù khơi

bao nắm chữ nhỏ nhoi
gió gieo miền vô thức
lúa? cây ăn thịt người?
thoảng nhưng lan xa xôi

rác ngọc Thơ ơi
rạng đông từ giấy tối
hãi hùng xua cánh dơi
níu vào hồn tả tơi…



KHUYA HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG,
NHỚ SỞ KIẾN HÀNH NGUYỄN DU

“… khai thị hoá vi huyết…”
(Đỗ Phủ : Khách tòng…)


phố vào khuya khoắt gió se
ai nghiêng xiêu xuống vỉa hè lạnh tanh

đèn cao ánh biếc vòm xanh
tiếng mời xác phấn khô đanh uất đời

nhà hàng rượu nhạc chưa vơi
người bò sát lết tàn hơi, tủi hờn

thành ngà dinh thự vàng son
thay nhau bới rác vai mòn nhẹ tênh

nhắm hai phía mắt chông chênh
vẫn nghe rách rưới quằn vênh rạc rài

ẩn mờ nét cũ đang phai
sót bao gợn máu rồi mai chói ngời?

long lanh hòn ngọc mồ hôi
mỗi trong năm triệu tia đời sáng lên?


ĐA NHIM, NHỚ LẠI MỘT TỨ THƠ
MƯỜI LĂM NĂM TRƯỚC

tưởng niệm nỗi đau lịch sử:
nạn đói Ất dậu 1945 (*).


ngồi trước trang sách mở
bóng điện tròn sáng soi
nghe trĩu đau vầng trán
nghẹn đặc giọt mồ hôi

giọt mồ hôi cúi mặt trồng đay
bỏng kiếp tôi đòi
trên đồng lúa ngậm đòng
phải cắn răng nhổ bỏ!

chữ học trò giấy vở
bóng đèn chao nét ngời
ngước lên nhìn: giọt lệ
tự thuở nào, sắp rơi

giọt lệ rơi từ hốc mắt hờn căm ngút trời
hai triệu rưởi người quắt queo chết đói!

sổ tay thơ buốt nhói
máu ứa ra chảy ròng
như mồ hôi nước mắt
bóng điện rực rỡ hồng


giọt máu hồng nhoà ngực lạnh mưa đông
vẫn nắm chặt tầm vông lao vào đồn giặc!

đâu chỉ là nước mắt
chuyện tình xưa, đa nhim (**)!
bóng điện treo từng giọt
lương tâm không im lìm

thắp màu nắng nghìn xưa
bao dung nhân hậu ấm buồng tim
để Hi-rô-shi-ma, Na-ga-sa-ki (***)
cũng đêm đêm rưng rưng
giọt nắng!

1981 – 1995 (****)


Cước chú của bài “Đa Nhim, nhớ lại một tứ thơ mười lăm năm trước”:
(*) Lời đề từ, tháng 02. 2005.
(**) Đa Nhim, địa danh ở tỉnh Lâm Đồng, tiếng nhân tộc K’Hor, có nghĩa là nước mắt. Đó là nơi có hồ nước thuỷ điện.
(***) Hiroshima, Nagasaki, hai thành phố của Nhật Bản bị đánh bom nguyên tử, kết liễu cuồng vọng Đại Đông Á thuộc Nhật của phát-xít Nhật.
(****) Tháng 02. 2005, tôi (tác giả) mới ghi thêm năm sáng tác và chép lại, xuất bản, cho rõ đầu đề bài thơ (đầu đề vốn được đặt lại như một chú thích)
.



CÁNH TAY HỌC TRÒ VƯƠN TỚI

I. ĐỒI THIÊN THAI

1. LEO DỐC

gió núi lùng bùng màn sương mỏng
ông trăng vắt vẻo ngồi trên cây
nôn nả, con mắt sao thức trắng
đâu hẹn nhau mà gặp cả đây!

lối lên khuất khúc ngoằn ngoèo dốc
đá gài lởm chởm loang loáng trăng
trầm bổng dốc dài theo tiếng hát
cuốc xẻng khua và lồng ngực căng

bạn hái chùm mua cài cán cuốc
mình yêu nụ cười bên lá khô
trán học trò chống Tàu và Mỹ
mồ hôi rơi rơi từ ước mơ

2. NẮNG LỬA

cứ hình dung đồi như quả bưởi
từng tổ chia ra từng múi riêng
tù và hiệu rúc, bổ cuốc xuống
đá tai mèo toé lửa, rung rêm

đồi trọc rực rỡ, nắng đổ lửa
hố, hố khoả tràn nắng mật ong
ơi đàn ong đứng quanh bọng lớn
lòng xanh hơn xanh với lá thông

đá lẩn trong đất nằm lổn ngổn
máu xưa ai tẩm ngời thiết tha…
mình cuốc chưa quen tay bỏng rộp
bạn mỉm cười, cầm tay xuýt xoa

tấm lưng hầm hập bốc khói khét
ống quần bụi lấm mốc thếch chân
nắng nón lá như mưa mái lá
ướt đẫm vai là mồ hôi loang

mở phanh cúc áo tà lay lật
gió luồn vô ngực luồn ra lưng
tóc tai rời rợi chào gió hiếm
nắng nỏ dạy lòng thương bóng râm

3. THÔNG XANH

chóng xanh thông nhé, xanh đồi trọc
xanh dày mái tóc, xanh tiếng reo
phấn hương sẽ phả trong nắng gió
thành phố mình ai tới không yêu

thông nhé, nhớ trải êm bóng mát
chờ người lên rẫy tìm ghé chân
rừng thăm thẳm thắm hồn tranh đấu
đồi ráng xanh theo người chuyên cần


(như luống sắn khoai xoè rẽ quạt
đã quạt mát bao đời long đong
như lúa ngô oằn bông trĩu bắp
đã gánh giùm bao gánh áo cơm…)

bạn ơi, sao thân thương quá đỗi
ta đang cầm cuốc xẻng vẽ tranh
đất vàng đã viết thơ biểu ngữ
mồ hôi nối vần trên lá xanh

II. CÁNH ĐỒNG ĐƯNG

1. VỀ LÀNG

hương rơm ngan ngát lồng lộng gió
chiều bay ngang, xoải cánh ráng hồng
cỏ xâm xấp quờ chân ram ráp
chúng ta băng qua đồng gặt xong

đất nứt nẻ nắng chém chằng chịt
rạch vào lòng trăm mối bâng khuâng
mảng bên kia máy cày tay cấy
khâu ruộng lành bằng chỉ mạ non

đường đất mịn tím hoa mắc cỡ
loa đài vang như treo vành trăng
tiếng máy nước chảy oà luồng gió
thầy trò về, sà giữa lòng dân

mắt em reo, mạ cười mát bụng
tay vỗ ran khuấy rộn rã lòng
cuốc xẻng, mũ nón, bồng con cóc
nhảy khỏi lưng chen chúc sân vuông

2. XẺ MƯƠNG

với cuốc xẻng, sức người, xẻ đất
phải dẫn nguồn nước mát về đây
dập tắt hết cánh đồng lửa ngún
ta dàn quân chống nắng trời say

nắng chói loá nắng sôi trên nón
xẻng thầy trò nối cuốc bà con
vằn lưng áo, trắng mồ hôi muối
mắt ràn rụa, ngợp mắt cay nồng

gánh nước thơm đôi vai em gái
chè xanh, gừng ngát, ngon trên môi
đôi câu hát nở ra từ đất
nối ngàn xưa ngàn sau đất ơi

gió lao rao lùa lay khô khốc
nắng xát lên vai, chà bỏng lưng
vẫn oằn trĩu đất nồng nàn trạc
thấy mạch nước muốn nhảy nhót mừng

chân choãi rễ bám trên mặt trận
giữa lòng ta, nẩy bật chồi tươi
lưỡi cuốc xẻng sáng quắc thép súng
vai sát vai dài mút tăm hơi

đất đã mịn mát lòng cha mạ
sẽ tuôn trào dòng biếc lắng trong
thấm mồ hôi già nua hoá trẻ
hứa hẹn xanh, xanh ngát cánh đồng

3. MƠ ƯỚC

cứ mơ mộng mùa mùa lúa khén
cánh diều bay trên màu vàng hươm
đồng vừa gặt đã gieo mạ biếc
tay cầm đưa cơm nắm sao thơm

ai mê ai câu hò tình tứ
láy máy cày mà liếc nhau hoài
ông mặt trời vuốt chòm mây bạc
thủng thẳng đi như người mối mai

sôi nổi trạm bơm, đồng mười tấn
tre nối tay ôm lấy xóm làng
ánh điện chao ửng bờ ngói đỏ
và ửng môi người, tiếng hát vang

mạ ngồi vun gốc trầu lá mướt
bầy vịt con lẽo đẽo bên chân
hương nhớ nội cha cài trước ngõ
lửa đỏ xoè ra đoá bông trang

ai hẹn ai tìm nhau xem hát
tiếng cười trong bên tiếng cười trầm
màn ảnh sáng, sáng ngàn xẻng cuốc
bắt đầu từ ruộng nẻ vết nhăn

4. GẶT HÁI

cứ mơ ước cho đều tay chuyển
trạc bùn đầy ăm ắp nước mây
chưa là mương nắng vàng đã tụ
cả đất trời đang ấm hơi tay

miệng cười toe trốc bùn dính mặt
quai nón em ngời vết mực xanh
ơi, khoé mắt hôm nay tươi quá
tóc bạc thầy mưa lên nắng hanh

lời trên bục cũng lời của đất
dòng chữ xuôi từ những dòng mương
gió bát ngát vỗ vào vầng trán
máu cuộn lên khắp mạch thơ hồng

lồng ngực căng đầy tình cha mạ
cánh tay thành nhánh lả yêu thương
trái tim người chín no mật đất
mực thắm xanh khi lá xanh hơn.

1976


Cước chú của bài “Cánh tay học trò vươn tới”:
(*) 1976 (Chú thích ngày 15. 03. 2005)
.



THÁNG NĂM NÀY Ở LÀNG MỚI

làng giữa cánh rừng Tây Nguyên
mỗi tấm lòng vẫn trải ra đến từng ngọn cỏ xanh
biên giới
nương khoai chưa mênh mông
dãy nhà con dựng vội
vẫn vút lên tiếng hát trẻ thơ
từ thăm thẳm nghìn năm

đất nước là lòng mẹ, tiếng cười em
soi vào đấy, thấy mình hoài bé bỏng
soi vào đấy, hiểu mình không thể không khôn lớn!
người lên đường vì một làng mới đang xanh

lịch sử nghìn năm
thấm từng hạt đất Tây Nguyên
yêu làng mới
bằng lưỡi gươm Chi Lăng, Hàm Tử
nương khoai xanh hơn cho biên giới lửa
thì giặc đến, chỉ để núi sông này
sống dậy những chiến công

Tổ Quốc gọi lên đường
Tổ Quốc nghìn năm
đây, thác rừng Tây Nguyên hùng vĩ
làng mới dựng trên truyền thống cũ
dọc biên giới, từ trận đầu đã có mặt Hương Lâm.

1979



Cước chú của bài “Tháng năm này ở làng mới”:
(*) Hoặc 1978 (Chú thích ngày 15. 03. 2005)
.



NGÔI TRƯỜNG THÁNG GIÊNG

đây năm mười hai tháng giêng
ngày đây mấy lần nắng sớm
em như con chim đồng ruộng
lên cao cứ muốn hót hoài

lời ru này là của ai
em hát tôi nghe chiều nọ
thuộc rồi sao tôi chỉ nhớ
mênh mông tấm lòng cao nguyên

tiếng hát em là tháng giêng
gió xanh lay từng ngọn tóc
trang vở đơm mùa lộc biếc
lớp học bốn bề tháng giêng

đường hào vây quanh trường em
giữ gìn tháng giêng và nắng
tiếng hát vót thành chông nhọn
thành hoa hồng thắm khăn quàng

cao nguyên chót vót nghìn năm
đất vẫn hồng thời mới lớn
bài ca ngỡ đã xa xăm
lại bừng trên môi nỗi giận!

đêm sao hứa ngày nắng ấm
sáng xanh nương rẫy lên mầm
giấc mơ gối lên giáo án
sáng lòng mực đỏ, đêm đêm

tháng giêng tháng giêng là em
là bao bài thơ nét bút
tháng giêng trong từng ánh mắt
ngôi trường đất mới mãi giêng!

yêu sao tấm lòng cao nguyên
quanh năm ngày dài nắng sớm
biên giới giữa lòng kẻ đậm:
tiếng hát căm hờn – yêu thương

em thành đóa hoa pơ-lang
nở bên hàng rào thẳng đứng
cho ai là người cầm súng
biết hậu phương hoài tháng giêng.

1979


Cước chú của bài Ngôi trường tháng giêng:
(*) Hoặc 1978 (Chú thích ngày 15. 03. 2005).




GỬI CÔ GÁI LẤP LÁNH

thưa em, tôi vốn rất tình
thầm mê tóc nắng vàng xinh tơ tằm

ba lô bay bổng về thăm
mắt xanh biêng biếc xa xăm vòm trời

chuỗi trai quê ngoại đâu rồi
máu Mị Châu mãi buốt ngời ngực thơm

cha em quặn nhớ hạt cơm
gạo trong lệ ứa từ rơm rạ này

hơn trăm năm đó còn đây
ngàn năm Giếng Ngọc rót đầy mời em

tàn nhang rơi ấm tay thêm
tôi nâng lên mắt mặn mềm giấc si.



TẢN MẠN
VỚI MỘT NGƯỜI EM

“mọi lí thuyết đều màu xám
và cây đời mãi mãi xanh tươi”
(Gớt - Goethe)


cánh chim vành khuyên bé bỏng
nở từ bài ca thuở nào
chập chùng tháng năm
chập chùng sương khói
nắng bất ngờ
biếc xanh tiếng hát nao nao

kết tổ dưới vực sâu
hay chóp đỉnh đồi cao
cũng chỉ vành khuyên của nắng mưa cây cỏ
ôi vàng rơm xé ra,
từ giẫy giụa với hư vô
trái tim bung vỡ
cơn tủi giận thiên tài
quỳ sụp bên đường
hỡi bùn, máu, sương, sao!

tôi nhớ Tố Như siết kiếm ngó cờ đào
mấy lần cáo quan
thương Kiều, viết Phản chiêu hồn
tóc càng thêm bạc
viếng mộ ông
gò hoang
mưa bụi đầm nước mắt
dám trách gì nắm cốt tàn đã thuộc về
vạn thuở muôn nơi

hai trăm năm rồi
bao người đau cùng ông
niềm đau ngoại xâm nội chiến
thiên tài trầm tư dằn vặt suốt đời
hồn thi sĩ xoáy lốc ngả nghiêng vật vờ
bão táp
bị nỗi nghìn năm níu chặt,
ông chẳng sinh ra
cho cái nhất thời?

phải chăng,
“kẻ phản động có lời thơ tao nhã”? (*)
Tố như chọn lựa phân vân
rồi hối hận biết bao
những chọn lựa xót lòng (*)
hiện thực hùng vĩ nào
hiện thực ảm đạm nào đã cưỡng bức
âm thầm vô thức (*)
chẳng nuối gì Lê mạt!
nhưng lánh về xa xưa,
khi cửa ngõ kia
giặc sắp nghênh ngang
súng thép tàu đồng!

vẫn dân tộc nhất, hoá hồn thơ đất nước
thế trận chữ nhân
lại mọc lên từ lục bát cha ông
đành phổ muợn phận Kiều
từ ưu uất siêu hình kiếp người quằn quại…
tôi hiểu Tố Như tự sát trong cơn bệnh
cuối đời. Ông buồn biết bao nhiêu!




ôi xương máu thiêng liêng
nỡ quy ra quyền chức
chiến công kia đâu chỉ của một thời
kẻ bán nước im lìm,
con hát cung đình câm bặt
lầm lạc nào theo vận nước nổi trôi

tôi kính chào nỗi khổ tâm lịch sử
cả những vênh vang, nông cạn, thiên tài!
thương Đất Nước bốn ngàn năm
phải miệt mài đánh giặc
mái rạ xiêu gầy xơ xác đến hôm nay!

tất cả khổ nhục
đều khởi đầu từ lòng tham đế quốc
nát ruột nhìn Tàu,
xe ruột nhìn Tây! và Nhật!
người nhức buốt giữa gọng kìm.
Người thắng Mỹ.
Những “nóng vội” rụng rơi
trên luống cày cằn xói
Bành Trướng lộ nguyên hình. Hòn Đá Tảng bạc màu,
tan rã. Từng đất nước đứng kề vai

ơi chất xám nở hoa
chất xám xưa sau kết ngọc
ta lại nhìn ta nước mắt dâng đầy
mực tôi pha máu mồ hôi bùn đen
và dầu mỡ
vẫn đặt hi vọng vào kẻ sĩ với ngọn bút trĩu tay

ơi cánh chim vành khuyên hồn mở cửa
em hát lên ngân vang bài hát tự đời
hãy chân thành vút cao
nốt chữ đẫm mồ hôi lao nhọc
mỗi người tự sinh nở trái tim mình,
như đích thực con người

giọt sương ngọt vùng quê mưa dầm bụi đỏ
kết đính chát cay
trên rêu xanh đàn đá u trầm
bỗng bật mầm khi gặp tiếng khèn rừng lạ
em ngổ ngáo phố phường
lại hát tinh ròng
trong veo chất giọng miền nam?

mỗi người đều là kẻ “mồ côi”.
Hãy “mồ côi”
cho lời ca tự đáy lòng thơm ngát
xao xuyến nao nao ngoảnh tận xa vời
chút lãng mạn bâng quơ
chạm vào xưa thẳm
thiên tài Tố Như bơ vơ
trong thời buổi ấy, chơi vơi.


Cước chú của bài “Tản mạn với một người em”:
(*) Mác (K. Marx), Nguyễn Diệp, Nguyễn Đình Thi, Khơ-ráp-chen-cô
.



CHÉN RƯỢU
TRÀN BÔNG KHẾ TÍM

người lính già bâng khuâng đọc thơ
mái tranh chiều giọt từng bông khế tím
kẻ từ xứ giá băng
nhấp ráng hồng buồn lịm
tê tím những vì sao khuya khoắt Ca-li (*)

xưa vác tầm vông vạt nhọn ra đi
gửi lại quê nhà đứa con chưa biết mặt
ngày súng tắt
nơi rào tù tàn binh
giấu tím dòng nước mắt
ruột thịt lần đầu thấy nhau!

chuyện trò ngàn đêm, nào gặp gỡ đâu
dẫu cùng dưới mái tranh này
cùng mền khăn cơn sốt rét
mẹ thêm già nua giằng xé lòng mỏi mệt
bao bữa cơm bỏng lạnh
hiên chiều giọt tím rơi rơi

người lính già lại đăm đăm,
trơ trọi chơi vơi
thắp hương thương vợ
chạnh nhớ con trôi giạt
tiếng súng rền giấc mơ nửa đêm tỉnh giấc
sương tím nhem nhoè phong thư xa xôi

bây giờ, cha bên con
đều trầm lắng nỗi đời
bông khế rụng vào nền trời tím
sao tím vợi vời
tím nốt nhạc rưng rưng
khói nhang vờn tím
đứa con trở về nhìn cha
bâng khuâng chén rượu
tím chiều.


Cước chú của bài “Chén rượu tràn bông khế tím”:
(*) California, một tiểu bang của Mỹ (USA.).
(Chú thích ngày 15. 03. 2005)
.



GIỌT MÁU ĐÀO

lênh đênh ruột thịt chân trời
nửa vòng trái đất máu trôi xa nguồn

thăm quê khóc giữa quê hương
cành xanh phượng trổ vui buồn đỏ tươi

mười chín năm tuyết trắng trời
khói nhang giọt lửa chơi vơi thương về

mơ hồ trống vọng bừng mê
hạt hồng trăm trứng đôi bè trầm cao.



TRĂNG TỪ TIẾNG ĐÀN BẦU
SAU MƯA

cơn mưa rửa gió trong ngần
sân rêu đất sáng, lòng gần nhau hơn

niềm thơ loáng thoáng oan hồn
uất hờn xưa thẳm chờn vờn chưa tan (*)

rúng cần lẩy nấc dây đàn
bão trăm sông máu lửa ngàn núi xương

đôi tay mười sáu ngát hương
khơi cao vút lắng trầm buồn buốt căm

một trăm và ba mươi năm
vầng trăng em mới thực rằm Việt Nam.


Cước chú của bài “Trăng từ tiếng đàn bầu sau mưa”:
(*) Theo cách diễn đạt cũ…




HỐI TIẾC

mặt đất không tắt lịm màu xanh
và vẫn xạc xào lá úa
thời gian muôn thuở tươi xanh
rụng rơi xót lòng từng tờ lịch úa

con chữ thiên tài cổ xưa mấy ai đọc nữa
duy tấc lòng
thành trời đất
mong manh

nhưng gã người tình khờ khạo là anh
dẫu cho mênh mang bát ngát nhớ thương
câu thơ yêu em vội vàng một nửa
sao đành!



ĐẦU NĂM THƯƠNG NHỚ

I. HUYỀN TƯỢNG TRẮNG

lụa trắng ngát mười hai tháng
em xinh xắn giữa xa xăm
khi không muốn trào nước mắt
cúi đầu trước tuổi mười lăm.

II. LIÊN TƯỞNG Ở SÀI GÒN

cốc rượu lanh canh khói toả
sương lạnh ấm tình cao nguyên
ròng ròng mồ hôi nước mắt
lửa cháy trong lòng cố quên.

III. CỎ LAU

sáng sớm soi mặt vào gương
đôi kính thiển cận đâu rồi
chỉ mày râu nhợt nhạt
ai nhìn tôi thế kia? hay tôi đã khác?
một ngọn cỏ lau trơ trọi giữa đồi cằn?



GỬI NGƯỜI BẠN TRẺ

tặng Nguyễn Thái Tuấn (Quảng Trị; Đà Lạt)

mưa, trời cứ mưa hoài
thôi thì mặc trời mưa với đất

người thanh niên ấy bước ra đường
con đường nhỏ dẫn anh đi lạc
về với ngôi trường xưa

mặc cho tóc ướt đầm mưa
lòng anh nắng!
hồng thơm tuổi nhỏ
anh bâng khuâng ngồi lên ghế cũ
giọt mực xanh xưa
sao nhoè ướt mặt bàn
đôi mắt mở to, ngơ ngác, bàng hoàng
anh run lên trong niềm cùng cực

ôi chút nắng hồn nhiên
làm sao hong tóc được
ngoài kia, trời cứ mưa hoài!

anh chạy ào ra trong làn mưa bay
chẳng có con đường nào
cho riêng anh phía trước

người thanh niên đưa hai tay vuốt mặt
anh lặng lẽ bước đi
bất chợt hát ca
tiếng anh bay lấp lánh trong mưa
giọt mưa long lanh nắng hồng ấm áp

cùng anh đi trong mưa
có ai cười rưng nước mắt
bạn ơi, bình tâm nuôi bền tiếng hát
dù giọt lệ cũng hoá hạt mầm
ngậm nắng tươi non

và thơ tôi cũng trải ra làm đất
chờ mùa nắng mới bừng lên.

1984


Cước chú của bài “Gửi người bạn trẻ”:
(*) Khoảng 1984. (Chú thích ngày 15. 03. 2005)
.



SINH RA CHÍNH MÌNH

kính tặng anh Trần Dzạ Lữ, nhà thơ

sức bay lên vời vợi
chết mủn mục sao đành!
nhánh xương rồng tức tưởi
gãy, tự đâm rễ, xanh

dẫu cát nóng gió thổi
hoá gai góc bao quanh
nghiệt ngã đừng đụng tới
hoa như thơ, hiền lành

quê cằn những năm đói
xả thân làm bát canh
quả thanh long đỏ chói
giờ mát bờ môi anh.



GIẾNG THI CA
THĂM THẲM

tôi nối triệu câu thơ Hà Nội
tự nghìn xưa
thả xuống lòng giếng nào rất tình và tứ
tiếng gàu va lanh canh
vào gạch cổ Bát Tràng
phấp phỏng hơn hai mươi năm,
mộng mơ không chịu cũ

sẽ đầy gàu sương mù huyền sử
pha trà cùng bút lửa Thơ Thần,
đọc mộng Ỷ Lan
đàn trong túp lều
phong phanh Nguyễn Trãi
nhớ Ôn Như Hầu giả điên,
vì bao kẻ sĩ lụi tàn

sẽ nhấp rượu “Tản Đà”
mê lại chất ngông ngang
(chỉ dám giống thiên tài
từng si cô hàng sách!)
nâng niu lá cờ đào
(Ngọc Hân tiếng khóc ướt đầm
– xót cha, thương tiếc chồng,
ngất đau vận nước –)
thoắt như đứa trẻ thập thò
lén ngắm Thạch Lam

tìm Cổ Nguyệt Đường
nghe cợt đùa dê cỏn sư gàn
Phùng Quán ở Nghi Tàm,
cho tôi đọc vết son xưa,
bên bát chè xanh vầng trăng xưa không nhỉ
xa xăm chỗ Chế Bồng Hoan
ngó đoá súng hồng?
hỏi năm cửa ô, giọt sương ngân rung
tiếng hồn thi sĩ

thăm những Nàng Hương
men chữ thủ đô ủ sâu mộng mị
tên dân dã quá say, nhưng rượu bây giờ
lấy nước đâu đâu
thương gàu tôi bấy nhiêu năm
chưa chạm mạch
ôi ngụm thắm muôn đời tinh tuý,
mong được vã lên, vã lên nếp trán tôi
chằng chéo nhăn nhàu.



BÂNG QUƠ,
CHÉP TẶNG MỘT CHUYỆN TÌNH

đến từ ngàn xưa vô ngần Hà Nội
đôi bạn yêu ơi, duyên của thuở ào
thủ đô mắt, Đông Đô môi, Thăng Long giọng nói
cùng rất Quảng trái tim
rót nắng tuổi chiêm bao

… tôi cát trắng, biếc dòng Hương, gập ghềnh núi
xa ngái Đàng Trong răng rứa mô tê
ơn Huyền Trân,
say dáng múa đội vò Chiêm nữ…
mang vết cứa sông Gianh đứt ruột ngoảnh về…


Bến Hải lau tranh trắng phơ hồn tấm bé
đặt chân lên bờ bắc
lòng rúng triệu tấn bom
khuya thông cầu Tiên An
búa dội rền giấc mỏi
chảy trên xương sống nối liền…
tôi cùng được mặn ngời
trong đầu máy nắng hồng
như giọt mồ hôi thơm

… khi không rất Huế rất Sài Gòn tha thiết
nhìn ai nắm tay ai,
nghẹn hoang vu Thăng Long
đẫm niềm Hà Nội rực mũ rơm vàng
đã tìm thấy một nửa mình
hỡi trống đồng chim Lạc
cho hạnh phúc chạm vào hồn,
ngân nga trầm vang


thân thương ơi, tình yêu như cơn lốc
đôi bạn đắm say trong bùng xoáy nỗi đời
và mặc tâm bão tự quả đất tròn
bao lần suýt vỡ
cày xuống những cuộc tình
từng chia biệt đôi nơi.




hạt sương – cái tôi trữ tình
với phương thức biểu hiện
và tự biểu hiện


hạt sương này là hạt sương này,
và hạt sương này khúc xạ đồng thời phản chiếu
ánh sáng từ bao nhiêu vì sao đời người
bằng cách riêng của nó
trong bóng tối thao thức.

nó trăn trở tìm ra chính nó đích thực,
và ý thức về cái ngỡ là, cái cố tình ngỡ là,
cũng như cái không phải nó…
tự biểu hiện, biểu hiện hoặc tự biểu hiện bằng biểu hiện,
vẫn rất nó
can chi với bất kì thủ pháp nào
nếu trong những thi thoảng
nó trở thành kết tinh của hồn đời

hạt sương thơ ca sẽ vô nghĩa biết mấy
nếu chỉ long lanh bằng cái long lanh
riêng tư
và chỉ cho riêng tư.

hạt sương này là hạt sương này.
sao đành làm nghèo đi sự hiện hữu
của hạt sương nhỏ bé
trên mặt đất bao la
và dưới vòm trời bát ngát.

TRẦN XUÂN AN



LẶNG LẼ Ở PHỐ
tập thơ
TRẦN XUÂN AN

◘ Phụ bản I
1.Mưa trong khuya mùa nắng
2.Với biển
3.Những mùa trăng thu Huế cổ
4.Bất giác ở Sài Gòn
5.Những nàng tiên cổ tích
6.Giấc rượu đùa Giáng Kiều trong xó nhà
7.Về quê
◘ Phụ bản II
8.Hành lang giảng đường trưa vắng
9.Lê Thị Hương Sen thành cổ
10.Quê quán
11.Lục bát ả đào trong bóng mờ
12.Mưa miền cao
13.Mãi tìm một nửa trái tim
14.Điệu múa xanh dáng hình sông núi
15.Trưa Tết thăm bạn cũ
16.Đại ngã ơi, anh chỉ là thành tố của em
17.Tháng giêng cùng hoang dã (4 bài)
18.Mùa xuân sáng hoa đồng tử trong đôi mắt
19.Chốn cũ
20.Gửi chào lộc biếc (4 bài)
21.Đường mưa khuya học trò và lời kinh tình yêu
22.Về nghe mưa tím
23.Đà Nẵng một thuở Tản Đà
24.Thư tay, khuya quê bạn
25.Thảng thốt và nhớ (3 bài)
◘ Phụ bản III
26.Sớm mai quên tuổi (2 bài)
27.Ngọn nến người xưa
28.Khuya khoắt ở phố
29.Câu hỏi nghìn xưa ca dao
30.Làng cũ ở Sài Gòn
31.Triết nhân đánh thức
32.Hương của xa xưa (4 bài)
33.Những mùa hè quê xa
◘ Phụ bản IV
34.Thất lạc
35.Xuý Vân bên sông
36.Kết tinh
37.Nghĩa trang chiều
38.Dù khi chỉ một mình, em yêu dấu!
39.Khuya hòn ngọc viễn đông, nhớ Sở kiến hành Nguyễn Du
40.Đa Nhim, nhớ lại một tứ thơ mười lăm năm trước
41.Cánh tay học trò vươn tới
42.Tháng năm này ở làng mới
43.Ngôi trường tháng giêng
44.Gửi cô gái lấp lánh
◘ Phụ bản V
45.Tản mạn với một người em
46.Chén rượu tràn bông khế tím
47.Giọt máu đào
48.Trăng từ tiếng đàn bầu sau mưa
49.Hối tiếc
50.Đầu năm thương nhớ (3 bài)
◘ Phụ bản VI
51.Gửi người bạn trẻ
52.Sinh ra chính mình
53.Giếng thi ca thăm thẳm
54.Bâng quơ, chép tặng một chuyện tình
55.Ngó trời (phần gấp bìa 4)
◘ Phụ bản VII (*)
56. Hạt sương – cái tôi trữ tình với phương thức biểu hiện và tự biểu hiện
57.Mục lục.


Cước chú ở Mục lục, mục Phụ bản VII (*):
(*) Phụ bản:
1.Như phố quận làng xưa – Nguyễn Thái Tuấn
2.Từ thứ nhất đến thứ bảy – Trần Xuân An
3.Với một góc phố Sài Gòn – Nguyễn Sông Ba
4.Sài Gòn, lặng lẽ ở phố – Trần Xuân An
5.Thiếu nữ và trăng – Nguyên Hạo
6.Lá âm dương – Trần Xuân An
7. Vẽ lại ảnh mình – Trần Xuân An
(Chú thích ngày 15. 03. 2005)


DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)

Trần Xuân An
sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
dân tộc: Kinh (Việt Nam);
quê gốc: Quảng Trị;
tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt, Đại học Sư phạm Huế
(khóa 1974 – 1978);
dạy phổ thông trung học ở Lâm Đồng (1978 – 1983);
hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.
(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

Tặng thưởng, giải thưởng:

1. Báo Văn nghệ giải phóng, 1975.
2. Giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.


TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI TRUY CẬP THÊM
CÁC ĐỊA CHỈ WEBs / BLOGs
(bấm vào các đường LINKs CẬP NHẬT sau đây):

I. THƠ : _________________________
________________________________________________

http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/

II. TIỂU THUYẾT : _________________
________________________________________________

http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/

III. PHÊ BÌNH – TIỂU LUẬN : ________
________________________________________________

http://tacphamtranxuanangiaodiem.blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan.blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan9b.blogspot.com/
http://tranxuananbinhtho.blogspot.com/

IV. TRUYỆN – SỬ KÍ –
KHẢO CỨU TƯ LIỆU LỊCH SỬ :
____________
________________________________________________

http://tranxuananpcdtnvt1a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt2a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt2b.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt3a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt3b.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt4b.blogspot.com/
http://tranxuananpcdtnvt4c.blogspot.com/

V. TRANG PHỤ : PHẢN HỒI : ĐỒNG CẢM – TRAO ĐỔI – LÀM RÕ & ĐÍNH CHÍNH _____________
_________________________________________

http://tranxuanan-trphu.blogspot.com/



HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
VIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
ĐỂ TỪ NHỮNG ĐƯỜNG LINKs TẠI ĐÓ,
ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.


NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN
CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(xin bấm vào các đường LINKs sau đây):

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/505_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/605_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/705_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/805_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/905_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1005_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1205_index.htm


http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm



Trân trọng và cảm ơn.
Tác giả,
Trần Xuân An



TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN
TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.
TRÂN TRỌNG VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN.



LẶNG LẼ Ở PHỐ
tập thơ thứ tư
gồm sáu mươi chín bài thơ
và một phụ lục
TRẦN XUÂN AN, tác giả

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ TP.HCM.
1995
Biên tập: Chinh Văn



hoàn tất bản thảo
tháng sáu 1994



ĐT.: (08) 8453955 & 0908 803 908
thành phố Hồ Chí Minh



N G Ó T R Ờ I

giữa trắng và trắng
cát
và nắng bụi mưa lầy
ngọt
đắng
cay
chua
chát
chất tạng nào
cũng hay
can chi trơ hai mắt
ngước nhìn
mây trắng bay!

Trần Xuân An

HẾT TẬP